CPA Australia: Các doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam dẫn đầu họat động đầu tư công nghệ
Content Summary
HÀ NỘI, VIỆT NAM - Ngày 13/04/2022 - Theo một cuộc khảo sát mới đây của một trong những Hiệp hội nghề nghiệp Kế toán lớn nhất thế giới CPA Australia, các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam vẫn nắm giữ vị trí đầu bảng các doanh nghiệp có nhiều tiềm năng đầu tư vào công nghệ nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2021.
Hoạt động tập trung vào công nghệ này là một trong những công tác ứng phó với đại dịch, trong đó, các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam có lợi thế nhiều hơn trong việc đẩy mạnh bán hàng trực tuyến và tăng cường đầu tư vào công nghệ để đối phó với COVID-19. Thay đổi đó được thể hiện qua sự tăng trưởng của số lượng doanh nghiệp ghi nhận hơn 10% doanh thu có được từ bán hàng trực tuyến, từ mức 60% vào năm 2020 lên 73% vào năm 2021.
Mặc dù trải qua năm 2021 đầy thách thức, các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm nay. 7/10 các doanh nghiệp này tích cực đón đợi sự tăng trưởng trong năm 2022; thành tích này xếp thứ ba tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ cùng hỗ trợ từ phía chính phủ có thể là những động lực chính cho sự chuyển mình này.
Khảo sát ‘Doanh nghiệp nhỏ Châu Á - Thái Bình Dương’ lần thứ 13 của CPA Australia đã được thực hiện trên 4.252 chủ sở hữu hoặc quản lý các doanh nghiệp nhỏ của 11 thị trường tại Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có 309 đại diện của Việt Nam, nhằm tìm hiểu thêm về điều kiện kinh doanh và sự tự tin của doanh nghiệp.
Trong số các thị trường được khảo sát, Việt Nam là quốc gia chịu tác động tiêu cực nhất của đại dịch với78% doanh nghiệp nhỏ coi đây là rào cản lớn nhất đối với tăng trưởng của họ trong năm 2021. Để ứng phó, nhiều doanh nghiệp nhỏ tại địa phương đã đẩy mạnh đầu tư vào việc cải thiện hoạt động kinh doanh với44% đầu tư nhiều hơn vào công nghệ và 42% chuyển hướng sang bán hàng trực tuyến. Đây cũng là hai thành tích cao nhất trong số các thị trường được khảo sát.
Nỗ lực của các công ty này đã kết chuyển thành những kết quả tích cực. 82% đại diện được hỏi cho biết việc đầu tư vào công nghệ trong năm 2021 đã tạo ra bước tiến trong khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Đây là kết quả cao nhất của khu vực Châu Á Thái Bình Dương – tiếp tục duy trì vị trí hàng đầu của Việt Nam từ năm 2019.
Mức đầu tư cao vào công nghệ và bán hàng trực tuyến tạo đà tăng tốc mạnh mẽ cho tương lai của nhóm các doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam. Kết quả khảo sát cho thấy các doanh nghiệp nhỏ được số hóa càng nhiều thì lại càng có thêm tiềm năng phát triển.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, FCPA (Australia) – Kinh tế trưởng của BIDV, Chủ tịch Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV, Chủ tịch Ban Tư vấn Chiến lược miền Bắc Việt Nam - CPA Australia cho biết, “Dù 2021 là một năm khó khăn, 45% doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam vẫn tăng trưởng. Đi cùng với mục tiêu kép của chính phủ là "ngăn chặn đại dịch và thúc đẩy phục hồi kinh tế xã hội", dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng đều đặn trong năm qua (tăng 9,2% vào năm 2021). Việc phục hồi các nhu cầu trong nước và nước ngoài, cùng chính sách hỗ trợ của chính phủ, đã thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và tăng tốc quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của họ”.
Mức độ đầu tư cao vào công nghệ khiến cho nhận thức về an ninh mạng cũng được cải thiện. Từ vị trí cuối cùng, Việt Nam đã vươn lên vị trí dẫn đầu trong cuộc khảo sát này: 60% doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam cho biết họ đã nghiên cứu về các biện pháp bảo vệ an ninh mạng trong suốt sáu tháng qua, gần gấp đôi so với con số 32% được ghi nhận vào năm 2020. Bên cạnh đó, 42% các doanh nghiệp nhỏ đã dành cả năm vừa rồi để tìm kiếm lời khuyên từ các cố vấn hoặc chuyên gia Công nghệ Thông tin.
“Các mối đe dọa tấn công mạng gia tăng khi những doanh nghiệp nhỏ áp dụng số hóa. 64% người được hỏi lo ngại rằng trong năm 2022, doanh nghiệp của họ có thể bị tấn công. Đất nước chúng ta đang tăng tốc độ phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số, và các doanh nghiệp nhỏ vẫn nên tiếp tục đầu tư vào những phương hướng tự bảo vệ mình trước các cuộc tấn công mạng ngày càng nhiều và thêm phần nguy hiểm. Các biện pháp như tăng cường an ninh mạng và việc tham khảo ý kiến từ các chuyên gia cố vấn Công nghệ Thông tin trở nên vô cùng quan trọng nhằm bảo vệ tài sản quan trọng của doanh nghiệp và dữ liệu khách hàng.
Tiến sĩ Lực cho biết: “Gói kích thích 347 nghìn tỷ đồng của Chính phủ giúp hỗ trợ phục hồi các doanh nghiệp nhỏ. Trong tình thế có hơn chín trong số mười người được hỏi trông đợi rằng họ sẽ, hoặc có thể, tìm kiếm các nguồn vốn từ bên ngoài vào năm 2022. Việc được hỗ trợ lãi suất vay 2% mỗi năm trong hai năm sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính của họ và giải quyết những lo ngại về chi phí đang tăng lên, từ đó thúc đẩy hơn nữa sự phục hồi của đất nước”.
Các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam cũng là những doanh nghiệp c dành nhiều thời gian và nguồn lực cho sức khỏe và sự an toàn của nhân viên nhất trong suốt 12 tháng qua ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Tiến sĩ Lực cho hay, “Việc đầu tư vào sức khỏe và sự an toàn của nhân viên phản ánh nỗ lực ngày càng tăng của các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam trong công cuộc tập trung vào Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG). Tạo ra một nơi làm việc an toàn và luôn quan tâm đến nhân viên sẽ không chỉ giúp thu hút và giữ chân nhân viên, mà còn thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững”.
CPA Australia khuyến nghị các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam cân nhắc các hành động sau:
- Xem xét các phương án an ninh mạng một cách thường xuyên và tiếp tục đầu tư vào việc tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh mạng
- Tìm kiếm lời khuyên chuyên nghiệp để nhìn nhận đúng tình hình tài chính của doanh nghiệp, quản lý các chi phí như chi phí nguyên vật liệu và chi phí đi vay, đồng thời cũng ưu tiên các nguồn lực.
- Không ngừng tìm cách đổi mới và nâng cao năng suất kinh doanh.
Đọc thêm Khảo sát Doanh nghiệp nhỏ Châu Á-Thái Bình Dương 2021-22 do CPA Australia thực hiện.
Liên lạc truyền thông:
Nguyễn Thị Bích Hiền (Hà Nội), +84 28 3520 8338 hoặc h[email protected]
Huỳnh Ngọc Thiện (TP Hồ Chí Minh), +84 08 3520 8338 hoặc [email protected]